Sự động viên thiết thực
Anh Nguyễn Đức Tâm, 36 tuổi, mở quán trà chanh trên phố Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) từ cuối năm 2019. Cứ ngỡ công việc sẽ tiến triển thuận lợi nhưng đầu năm 2020, dịch Covid-19 ập đến, anh đã phải liên tiếp đóng cửa hàng, khiến doanh thu giảm sút.
Tình hình buôn bán khó khăn, anh Nguyễn Đức Tâm không rõ sẽ cầm cự được đến khi nào. Đợt dịch thứ 4, anh cũng phải tạm dừng hoạt động hơn 2 tuần để ủng hộ quy định phòng dịch của thành phố.
Nhấn để phóng to ảnh
Dịch Covid-19 khiến doanh thu của cửa hàng anh Nguyễn Đức Tâm giảm sút.
"Tiền thuê mặt bằng tôi vẫn đang nợ chưa trả cho chủ nhà. Gần 2 năm kinh doanh, tôi gần như mất trắng nhưng vẫn phải chấp nhận vì vốn liếng đã dồn hết vào cửa hàng, giờ xoay nghề khác cũng khó", anh chia sẻ.
Qua báo chí, anh Nguyễn Đức Tâm nắm được thông tin gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng từ Chính phủ. Đây là món quà tinh thần giúp anh tiếp thêm động lực cho những hộ kinh doanh vượt qua đại dịch.
"Tôi hy vọng phường sẽ xem xét và sớm thông báo danh sách những hộ đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Tôi có giấy phép đăng ký kinh doanh và đóng thuế đầy đủ, hy vọng sẽ nằm trong diện thụ hưởng chính sách", anh Nguyễn Đức Tâm cho biết.
Cũng gặp khó trong mùa dịch Covid-19, chị Phạm Thị Phượng chủ quán ăn trên phố Thượng Đình (Hà Nội), hụt hẫng khi vừa hay tin thành phố tiếp tục dừng các hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ.
"Tôi mới bán trở lại được hơn chục ngày nhưng giờ lại phải đóng cửa để tuân thủ quy định phòng dịch", người phụ nữ 45 tuổi này tâm sự.
Nhấn để phóng to ảnh
Đợt hỗ trợ năm 2020, chị Phạm Thị Phượng nhận được 1 triệu đồng.
Chị rất mừng khi nghe thông tin Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho người dân. Đợt hỗ trợ trong năm 2020, gia đình chị được Tổ trưởng tổ dân phố đến trao một triệu đồng.
"Hy vọng lần này, thủ tục cũng sẽ nhanh gọn, sớm đến tay người dân", chị Phạm Thị Phượng cho hay.
Mong được hướng dẫn cụ thể
Trò chuyện với PV, chị Phạm Thị Hiền - chủ quán phở trên phố Nguyễn Hoàng (Hà Nội) - lo lắng vì mới biết tin Hà Nội yêu cầu dừng các hoạt động kinh doanh không thiết yếu, quán ăn chỉ được bán mang về.
Lên Thủ đô lập nghiệp, mở hàng ăn được gần 7 năm, chị Phạm Thị Hiền chưa từng nghĩ công việc buôn bán lại ảm đạm, "ế" khách như bây giờ.
Với chị Phạm Thị Hiền, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ vào thời điểm này là đúng đắn và hợp lý bởi những người dân, người lao động nghèo nếu không được hỗ trợ, giúp đỡ thì rất khó duy trì cuộc sống.
Nhấn để phóng to ảnh
Chị Phạm Thị Hiền mong được hướng dẫn thủ tục để nhận hỗ trợ.
"Tôi làm hàng cả ngày nên cũng không có nhiều thời gian tìm hiểu thủ tục để nhận gói hỗ trợ. Tôi rất mong chính quyền địa phương sẽ có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản, gửi đến từng nhà giúp chúng tôi kịp thời nắm bắt chính sách", chị cho biết.
Tương tự, quán ăn của chị Trần Thị Lan (45 tuổi, quê Thanh Hóa) trên phố Trương Công Giai (Hà Nội), cũng phải đóng cửa gần một tháng do ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4 bùng phát.
"Sau khi mở cửa trở lại, tôi chỉ bán cho khách mang về nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Hàng tháng tôi vẫn phải trả hơn 10 triệu tiền thuê mặt bằng, và chưa biết phải duy trì công việc buôn bán như thế nào", chị chia sẻ.
Nhấn để phóng to ảnh
Trong khó khăn, sự hỗ trợ dù nhỏ nhất cũng rất có ý nghĩa.
Nghe thông tin về gói hỗ trợ từ những vị khách đến mua hàng, chị Trần Thị Lan rất mừng vì trong thời điểm cần nhiều kinh phí chống dịch nhưng Nhà nước vẫn lo lắng, quan tâm đến đời sống của người dân.
Theo chị Trần Thị Lan, với gói trước, những người không có hộ khẩu ở Hà Nội sẽ phải về nơi thường trú để làm hồ sơ xét duyệt. Gói hỗ trợ này, chị rất mong thành phố tạo điều kiện giúp những người đến Thủ đô làm việc sẽ được chi trả tại nơi đăng ký tạm trú, không mất nhiều thời gian đi lại và đảm bảo an toàn phòng dịch.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/ho-kinh-doanh-mong-som-nhan-ho-tro-tu-goi-tro-giup-26000-ty-dong-20210718173716017.htm